Chốt Lãi Từ Chứng Khoán, Nhà Đầu Tư Sẽ Đổ Tiền Vào Đâu?
Phùng Hồng Minh
Thứ Hai, 04 Tháng Tư 2022
Nhà đầu tư chuyển hướng sang bất động sản
Năm 2020 và đầu năm 2021, thị trường chứng khoán đã tăng lên đến mức đỉnh kỷ lục. Vì thế, năm 2021, việc giữ ổn định được mức tăng trong giai đoạn cuối năm 2021 vẫn là thách thức. Một khi thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư có thể mất cả gốc lẫn lãi. Trong khi đó, bất động sản lại là kênh trú ẩn tương đối an toàn, thị trường có khủng hoảng thì tài sản vẫn còn đó bởi xét về dài hạn bất động sản chưa bao giờ giảm giá.
Thực tế cho thấy, xu hướng nhà đầu tư chốt lãi từ chứng khoán sang bất động sản ngày càng tăng lên. Anh Thân (Hà Nội) một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán cho biết anh vừa quyết định rút bớt nguồn tiền từ kênh này mua một căn hộ nghỉ dưỡng với ý định cất giữ tài sản, chờ cơ hội tăng giá.
"Dịch bệnh ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh khiến doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ nên đầu tư chứng khoán dự báo sẽ có nhiều rủi ro trong thời gian ngắn. Vì vậy, tôi chỉ để dành lại một phần vào những cổ phiếu ở vùng an toàn, còn lại rút toàn bộ phần lãi bỏ vào BĐS" - anh Thân chia sẻ.
Cùng suy nghĩ như anh Thân, chị Minh cho biết chị mới cùng bạn hùn vốn mua chung một căn shophouse tại Bắc đảo Phú Quốc với nhiều ưu đãi ngay trong đợt dịch và hưởng cam kết lợi nhuận 5%/năm trong vòng 2 năm đầu. Về lâu dài, chị tin rằng du lịch Phú Quốc sẽ hồi phục đầu tiên vì có hộ chiếu vắc xin, tạo ra nguồn thu ổn định. Theo chị Minh, chứng khoán là kênh đầu tư không dễ nắm bắt quy luật trong khi BĐS mang đến cảm giác chắc chắn hơn khi là một tài sản "nhìn và chạm được". "Chính vì vậy, tôi đã quyết định rút phần lớn tiền từ chứng khoán để đồ vào bất động sản", chị Minh cho biết.
Trong báo cáo thị trường BĐS mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cũng cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm. Lẽ ra khi nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm nhưng thực tế tổng tiền vào thị trường có nhu cầu đầu tư BĐS lại mạnh lên.
"Nguyên nhân bởi một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác như chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu đang đổ mạnh vào BĐS. Nguồn tiền thực tế vào thị trường rất lớn, nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính đẩy giá BĐS tăng mạnh" - ông Đính phân tích.
Cũng khẳng định đang có xu hướng nhà đầu tư chốt lãi ở chứng khoán vào bất động sản, bà Bùi Trang - Giám đốc Bộ phận thị trường Việt Nam của JLL cho biết người Việt có tâm lý ăn chắc mặc bền. Bà Trang đánh giá cao các nhà đầu tư cá nhân cách dịch chuyển dòng vốn như vậy để tránh dồn tất cả trứng vào một giỏ, lúc thị trường khó khăn, nhà đầu tư có thể tháo chạy kịp. Đây là cách đầu tư của nhà đầu tư thông minh trong dịch bệnh bởi với cách chia thành các giỏ đầu tư nhà đầu tư sẽ tránh được tình trạng tập trung rủi ro về một mối.
Thời cơ để vào "sóng" bất động sản nghỉ dưỡng
Đưa ra bàn cân so sánh về triển vọng trong thời gian tới, các chuyên gia đều cho biết trong khi chứng khoán đối diện với nhiều rủi ro sau những đợt tăng nóng thì thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng lại mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Nguyên nhân trước hết bởi mức giá của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang ở mức khá tốt. Thị trường đi ngang trong khoảng thời gian trước đó tạo cơ hội cho những nhiều nhà đầu tư dễ dàng gia nhập. Trong khi đó, phân khúc đất nền đã bị đẩy lên mặt bằng giá cao sao cơn sốt.
"Nhìn ở chặng đường dài bất động sản vẫn là phân khúc nhiều tiềm năng, đặc biệt bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ khi dịch bệnh kết thúc bởi khi đó du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Chắc chắn BĐS nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội phát triển tốt, khả năng tăng giá tốt, khai thác lợi nhuận dài hạn", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Cùng với những thông tin tích cực về khả năng tự chủ vaccine, BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam theo đánh giá có thể sẽ là điểm sáng nhất trên thị trường trong thời gian tới. Ngoài khả năng phục hồi mạnh mẽ khi du khách trở lại thời kì hậu covid-19, một nguồn lợi song hành lớn không kém là giá trị BĐS tăng theo thời gian. Đơn cử như với những điểm nóng như Phú Quốc, thị trường động sản nghỉ dưỡng sẽ sôi động theo sự chuyển mình của thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, đặc biệt là khi tại đây đang có những tổ hợp nghỉ dưỡng vui chơi giải trí tầm cỡ thế giới.
Nam Anh
Theo Nhịp sống kinh tế
Tin liên quan
Phùng Hồng Minh
Thứ Hai, 04 Tháng Tư 2022
Phùng Hồng Minh
Thứ Hai, 04 Tháng Tư 2022